Xã Nhân Thành: Khánh Thành Công Trình Tôn Tạo Giếng Chua.

Ngày 20/10, xóm Nam Giang cùng con cháu ông Nguyễn Trọng Thuần phối hợp tổ chức lễ khánh thành công trình tôn tạo giếng Chua, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành. Đây cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh bà Nguyễn Thị Lý (1922-2003), một người dân yêu nước và là con gái của ông Nguyễn Trọng Thuần.

Dự và phát biểu chúc mừng tại lễ khánh thành, ông Phan Văn Tuyên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao tinh thần yêu nước, sự cống hiến của gia đình ông Nguyễn Trọng Thuần cho quê hương đất nước. Đồng thời nhấn mạnh, giếng Chua là địa chỉ đỏ để người dân xã Nhân Thành nói riêng và nhân dân huyện Yên Thành nói chung phát huy niềm tự hào về tình yêu quê hương cũng như truyền thống yêu nước.

Ông Phan Văn Tuyên, Phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Yên Thành cùng đại diện con cháu ông Nguyễn Trọng Thuần cắt băng Khánh thành công trình giếng Chua.

Ông Phan Văn Tuyên, Phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Yên Thành chụp hình lưu niệm cùng con cháu ông Nguyễn Trọng Thuần tại lễ khánh thành công trình giếng Chua.

Công trình tôn tạo giếng Chua cũng góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới, là biểu tượng của tình cảm và lòng biết ơn của gia tộc, con cháu ông Nguyễn Trọng Thuần đối với quê hương.

Trên tấm bia đá và biển đồng của công trình giếng Chua có dán mã QR, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho mọi người dùng điện thoại thông minh để có thể tìm hiểu thông tin về ông Nguyễn Trọng Thuần.

Được biết, giếng Chua được ông Nguyễn Trọng Thuần (1890-1951) xây dựng vào năm 1930, giúp bà con có nguồn nước để dùng mà không phải đi xa 4,5 cây số để gánh nước, nhất là vào mùa khô hạn.

Ông vốn xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Cha của ông là cụ Tú Kép Nguyễn Trứ, người thầy đã đào tạo nhiều trí thức cho quê  hương; mẹ của ông là cháu ruột cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn, thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19.

Tiếp nối truyền thống hiếu học của vùng đất Nghệ Tĩnh địa linh nhân kiệt, ông Nguyễn Trọng Thuần đã dùi mài kinh sử, quyết làm rạng danh quê hương, dòng họ. Ông đậu Cử nhân khoa thi Hương năm Duy Tân thứ 9 (1915). Vốn là người giản dị, ông tự đi bộ về làng như thường dân, không cho hương lý và dân làng rước xách.

Nhà nghèo không thể đi học tiếp nên ông Nguyễn Trọng Thuần phải ra làm quan để có tiền chăm lo cho gia đình. Theo luật pháp triều Nguyễn, quan lại không được làm việc ở quê nhà, nhưng dù ở đâu thì tình tình cảm của ông lúc nào cũng đau đáu hướng về quê hương, làng xóm. Ông thường nói: “Hòn đất của làng Yên Nhân rơi xuống biển cũng muốn lăn xuống mà vớt lên”. Vì vậy vào những năm 1930, ông đã cho xây dựng ngôi trường học đầu tiên của xã Nhân Thành với tên gọi Hương Chỉ “để trẻ em trong làng có nơi học tập”, thành lập chợ Yên bên bờ sông để“các cụ già không phải đi tận chợ Dinh mua con cúi về dệt vải”, đào giếng Chua để cho dân làng có nước dùng. Với tình cảm kính trọng và biết ơn, dân làng gọi ông với cái tên trìu mến là “cụ Huyện”.

Vợ chồng anh Nguyễn Bá Sơn cháu nội ông Nguyễn Trọng Thuần

Những người già vẫn nhớ làng Yên Nhân nạn đói Ất Dậu 1945 không có ai bị chết đói, không có người phải  bỏ làng đi ăn xin. Một phần chính là nhờ có sự đóng góp của gia đình, họ hàng ông Nguyễn Trọng Thuần và một số nhà khá giả trong làng. Sau Cách mạng tháng Tám, với vai trò Ủy viên Dân ủy huyện Yên Thành, phụ trách Liên Việt, ông Nguyễn Trọng Thuần cho xây dựng trong vườn nhà, gần giếng Chua một Hội quán làm nơi sinh hoạt cộng đồng của xã. Con trai của ông là Nguyễn Thúc Quảng (liệt sỹ chống Mỹ), khi đó đã tổ chức tại đây các hoạt động quần chúng yêu nước cho thanh thiếu niên trong làng.

Ngày nay, con cháu ông Nguyễn Trọng Thuần đã tiếp nối truyền thống gia tộc, học hành thành đạt. Có người là nhà khoa học, người là kỹ sư, doanh nhân, cán bộ công chức… Dù ở cương vị nào, họ cũng đã góp phần tiếp nối truyền thống, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

NGUYỄN NHUẬN