Nhà Cách Mạng Kiệt Xuất PHAN ĐĂNG LƯU – Người Con Quê Lúa Yên Thành

Là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, quê lúa Yên Thành đã sinh ra những danh nhân, khoa bảng hiền tài, anh hùng hào kiệt làm rạng danh cho đất nước, trong đó có nhà cách mạng kiệt xuất Phan Đăng Lưu.

Nhà cách mạng kiệt xuất, nhà tri thức tiêu biểu Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 trong một gia đình nho giáo có truyền thống hiếu học, nơi có truyền thống cách mạng quật cường đó là làng Đông, trung tâm xã “Tràng Thành” xưa, nay là làng Phan Đăng Lưu, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ ông đã rất thông minh học giỏi. Lớn lên trong một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, điều tốt đẹp đó đã gắn sâu vào tiềm thức của ông. Ngôi trường đầu tiên ông vào đời là trường canh nông, rồi làm việc tại Sở Canh nông Bắc kỳ năm 1923, sau đó chuyển về Ty Canh nông Nghệ An. Thời gian ở Vinh, ông thường xuyên tiếp xúc gặp gỡ với những chí sĩ yêu nước như Ngô Đức Diễn, Hà Huy Tập, Trần Phú. Khi tiếp xúc với những nhà cách mạng, tinh thần yêu nước ngày càng dâng cao. Sau này, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản và là người lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Cả quá trình làm báo, làm lãnh đạo với lĩnh vực báo chí tuyên truyền, ông là một chủ bút sắc sảo, một biên tập linh hoạt, tinh tế và sáng suốt thông minh. Những ngày trong nhà tù Buôn Mê Thuột ông vẫn bí mật làm báo viết tay, kết nối các chiến sĩ cách mạng tuyên truyền lính cai ngục người Ê-đê, giác ngộ tinh thần yêu nước của đồng bào dân tộc. Ông là chủ bút các tạp chí Sông Hương Tục Bản ở thành phố Huế, chủ bút báo Dân, chủ bút báo Dân Tiến, chủ bút báo Dân Muốn. Trong thời kỳ làm báo ông đã kết nối với báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng để tuyên truyền cách mạng, ủng hộ kháng chiến giành chính quyền. Ông được kết nạp Đảng từ trong nhà tù của thực dân Pháp, sau này ông được Đảng phân công nhiều lĩnh vực quan trọng của Đảng – Ủy viên xứ ủy lâm thời Trung kỳ (1936-1937) – Ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng(1939-1941). Ông luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân nhằm đấu tranh bảo vệ cách mạng để giành chính quyền cho dân là trên hết. Với 39 năm tuổi đời, trong đó có hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Nhắc đến đồng chí Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, cách mạng Việt Nam.

Năm 1940 đồng chí Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp bắt ở Nam Kỳ, sau đó bị xử bắn ngày 28/6/1941 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Năm đó đồng chí Phan Đăng Lưu 39 tuổi đời và 16 năm hoạt động cách mạng.

 Trong dịp lễ kỷ niệm 100 năm (5/5/1902-5/5/2002) ngày sinh của đồng chí Phan Đăng Lưu, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ uyên bác, tác phong giản dị, đễ gần, có sức cuốn hút lớp tri thức trẻ, kể cả những nhà tri thức lớn như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng,…” .

Làng Tràng Thành xưa – xã Hoa Thành ngày nay từ thời Tiền Lê đến đầu đời Trần là trung tâm, lỵ sở của Châu Diễn, huyện Đông Thành. Nhân dân nơi đây có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng. Đây là nơi hội tụ mạch nguồn truyền thống của vùng quê lúa. Chỉ riêng việc học hành thi cử trước năm 1945 xã Hoa Thành đã có 2 vị Thám hoa, 25 vị Tam trường (phó bảng), cử nhân, hơn 80 vị tú tài và hàng trăm thầy đồ.

 Kế tiếp truyền thống các bậc tiền bối cách mạng, thế hệ con em “Tràng Thành” luôn phát huy truyền thống tốt đẹp đó. “Tràng Thành” xưa – Hoa Thành nay có hơn hai ngàn thầy giáo làm việc trong lĩnh vực giáo dục qua các thời kỳ; hàng trăm sĩ quan cao cấp trong quân đội, công an; hơn một trăm người có học hàm giáo sư tiến sĩ khoa học trong mọi lĩnh vực, ở trong nước và nước ngoài.

Yên Thành rú Gám sông Dinh

Lòng dân nhân hậu nghĩa tình thủy chung

Tràng Thành nhân kiệt địa linh

 Phan Đăng Lưu kiệt xuất bình minh sáng ngời

Dù đi khắp bốn phương trời

Yên Thành quê mẹ là nơi cội nguồn.

Phố biển, 01.01.2022

Lai Huyền