CHỢ LÁNG

Xa quê, giờ gặp đồng hương thể nào cũng hỏi: anh (em) quê Tây Thành, nhà gần Chợ Láng không? Mình trả lời, nhà cách vài cây số, ngay mặt đường đi Tân Kỳ, thế là hình dung ngay.
Mình lớn lớn lên thì cái Chợ Láng đã có tự bao giờ. Gọi là chợ cho oách, chứ thực ra là bãi đất trống ven đường nối thị Trấn Tăng Thành (Yên Thành) lên Lạt (Tân Kỳ), mỗi lần họp chợ là người ta bày bán tràn lên cả đường, xe cộ qua đây là dắt bộ.
Điều đặc biệt là ngay chợ có cây đa tán rộng cả trăm mét, che mưa nắng cho bà con rất lý tưởng. Chợ họp mỗi tuần một buổi thì phải (?).
Ngày thường, tụi con nít như mình thường chỉ được ghé chợ mỗi khi thầy cô cho nghỉ học bất thường, đến chủ yếu để ngắm hàng xén cho vui mắt; đi qua hàng bánh thằng nào thằng nấy nước miếng chảy lòng thòng, cổ nuốt ừng ực, thấy phát tội nhưng làm cóc gì có xu dính túi mà mua.
Thỉnh thoảng lượn qua hàng cá, xem mấy bà dân Diễn Châu (miền xuôi) ngồi dạng banh háng vừa quạt cái vỉ nướng cá bằng than, vừa chửi tục toang toác như gà mái, rất vui mắt. Mùi cá nướng thơm ngậy cả chợ, những mẻ cá trích, cá nục, cá thèn, cá thửng…thứ mà họa hoằn lắm, nhân nhà có công chuyện hay giỗ chạp, rằm tháng 7, Tết mới được mấy con ươn lòi xương bụng!
Cái bụng đói meo, sôi ọc ạch, nhìn những con cá ngay trước mặt mà xa vạn dặm, như mèo nhìn cá gỗ treo trên xà nhà…tụi mình lại lủi về khu vực gốc đa hóng chuyện, nơi mấy anh thanh niên choai choai hay tụ tập khè nhau, tập tành hút thuốc, tán gái.
Mấy thằng lóc nhóc học đòi mua thuốc là hút, hai ba thằng gom lại mua vài điếu thuốc cuộn tay hút chung, bắt tóp. Cả chợ Láng duy nhất có Thạc “Liên” (lúc này là thanh niên rồi) từ xã Thịnh Thành qua là dâm mua thuốc có đầu lọc để hút. Mỗi anh này mua hẳn ba điếu Bông Sen (bố bảo cũng không dám mua cả gói), một điếu ngậm phì phèo, hai điếu còn lại dắt hai tai, trông rất sành điệu. Mình đứng cạnh thấy thằng Bình “Đăng” và Vinh “Diện” mắt chữ A, mồm chữ O tỏ ra ngưỡng mộ và thèm thuồng. Hi hi.
Hồi con nít, mình nghĩ mãi xem có cái gì đưa xuống chợ bán ra tiền được không? Lựa chọn cuối cùng là trồng rau muống khô, vì nhà không có ruộng nước, ao cạn.
Công vun trồng, chăm sóc đối với một thằng cu hỉ mũi chưa sạch lúc đó thì cơ cực khỏi nói. Đến lúc thu hoạch đưa ra chợ mới là gian nan. Lứa đầu tiên mình hái từ chập choạng tối hôm trước, bó thành từng bó khá bắt mắt, xong, đem xuống ao ngâm cho nó tươi. Sáng mai mang rổ xuống lấy, thì hỡi ơi, đống rau muống tan tác tành từng cọng, hoá ra ra, đêm qua mấy con cá trắm dưới ao được bữa tiệc no nê. Lứa thu hoạch đầu coi như tay trắng. Hi hi!
Hai tuần sau thì rau xanh lại, gặp trời mưa dông nên rau vươn ngọn bò ra non như tơ. Rút kinh nghiệm lần này chỉ phủ mấy nhành cây rồi tưới nước cho nó giữ mát qua đêm.
Sáng sau dậy, nhìn ra đường thấy bà con từng tốp gánh gồng hướng về chợ Láng. Lúc này mới giật mình, với cái mặt mình như này mà giờ gánh cái đám rau này ra chợ ngồi bán thì quê lắm.

Cuối cùng đành cắn răng dùng chiêu: thay vì gánh, mình dồn hết vào cái sọt, xong lấy cái nón lá của bà già trùm lên đầu, đội chồng sọt rau lên trên, đi thẳng một mạch xuống chợ, ra đường chả ai nhìn thấy mặt, đâu biết thằng nào. Không ngờ rau non, gặp bữa chợ đông, mình lại bán rẻ nên vèo cái, mới nửa buổi là bán hết sạch. Chả nhớ được được mấy đồng, nhưng mừng như hốt được của, nhét tiền vào túi quần, cắm mặt đi thẳng về nhà, không dám ngoảnh đầu ngoái lại vì sợ cái mùi cá nướng, bánh đúc, bánh mướt nó níu kéo chân mình.
Về nhà, lấy cái ống tre, nhét hết tiền vào đó để dành chuẩn bị hết hè mua sách vở.
Cứ thế, lứa thứ hai, rồi lứa thứ ba mình bán rau muống “đội”, về, lại nhét tiền vào ống, giấu trên nóc tủ.
Thắm thoắt hè đã hết, ngày mai trở lại trường, tối đó mình leo lên nóc tủ, quờ tay tìm cái ống tre, quờ mãi quờ mãi chả thấy, nhảy tót lên ngó, thì hỡi ơi, nó đã không cánh mà bay!
Mình ngồi bệt xuống nền nhà, lòng quặn thắt buồn não nề, bất chợt nhìn về phía góc tường ở vị trí sát mái nhà, thấy một lỗ hở đủ một lọt thân một thằng con nít leo vào, trên đó còn để lại một vết trầy phên đất, chân ai đó mới đạp lên…!
Thích nhất vẫn là chợ tết. Duy nhất chợ Tết là bình đẳng, nhà nào đi chợ cũng mua được cái gì đó mang về.
Trẻ con như tụi mình đứa nào cũng đi chợ, cả năm mới được đi chợ, một là để khoe quần áo mới, hai là mua pháo, ba là xem thanh niên đánh nhau.
Tết thì đứa trẻ nào cũng được cha mẹ sắm cho bộ quần áo mới, ba ngày Tết mặc duy nhất một bộ, không thay. Chợ quê thì đường đất, đi bộ, chân đất (ai có đôi dép là xa xỉ). Đã vậy, thời này mốt quần loe, đâu xắn được, mà quần áo mới ai xắn, vậy là ống quần thi nhau làm chổi đót quét bụi mù mịt; mưa thì bùn đất lấm lem.
Bấy giờ, muốn may quần áo phải lên tận Đô Lương. Thanh niên choai choai, nhà có nhiều lạc, đổi được ít vải may quần gabardine (ga-ba-đin) thì oai lắm. Thằng nào thằng nấy thi nhau may quần xem của thằng nào loe to hơn. Nên, mỗi lần vào may đo thì câu đầu tiên thợ hỏi là “loe bao nhiêu”.
Nhớ thằng Cường “Hùng” đùi thì nhỏ, người lùn một mẩu, may cái quần loe quá cỡ, mỗi lần nó bước ra đường, đằng xa cứ tưởng nó đang đi nơm cá trên đường. Hi hi.
Thời chưa cấm pháo thì nhà nào nghèo cỡ nào thì nghèo, nhưng Tết không thể không có pháo, không nhiều thì mấy quả pháp đùng, một mẩu pháo chuột cũng được, miễn là đêm giao thừa và sáng mùng một phải có tiếng pháo. Chuyện mình từng buôn pháo chuột từ làng Bình Đà và mua thuốc về tự làm pháo đùng (đại) thì kể ở chuyện trước rồi, chuyện đánh nhau cũng kể ở chuyện ANH HỒNG “DIỆN” rồi.
Hồi đó, thanh niên đi chợ Láng có câu cửa miệng: dân Choa đi chợ xin thề, chưa xem đập chắc chưa về được mô!
Có lần, năm nào mình không nhớ, chỉ biết vừa bán xong bánh pháo cuối cùng, đang hoan hỉ lang thang thì gặp thằng Hào “Bịp”, nó vỗ vai hỏi, đập chắc chưa đập chắc chưa? Mình nói, chưa. Hai thằng lách qua đám đông, đi về hướng gốc đa.

Bỗng nhiên thấy tiếng ầm ầm phía góc mé ngoài đường, rồi tiếng là hét, tiếng chân chạy rầm rập; những chiếc đòn gánh nhấp nhô chĩa lên trời gây náo loạn.
Mình chạy về hướng cổng ra, thấy Thành “Định” đang bỏ chạy thục mạng, lúc này anh Ngọc “Kim” vừa đuổi kịp, anh giơ cao chiếc đòn gánh nhằm gáy Thành “Định” phang xuống. May là Thành “Định” kịp đưa hai bàn tay che gáy; một tiếng “bụp” khô khốc, hai bàn tay Thành “Định” tế tua máu…Thành “Định” chạy bán sống bán chết, quẹo vào phía trạm xá để thoát thân (đoạn chi tiết bà già mình cứu mạng Thành “Định” trong trạm xá mình đã kể).
Khi “quân” Thịnh Thành rút lui xa dần. Mình thấy một người đàn ông trạng ngoại tứ tuần đi từ phía trong xóm nhà ông Kim ra, với bộ quần áo ngay ngắn, dáng đi khoan thai, biết ngay là người thoát ly lâu năm về quê. Chợt có người chỉ trỏ về phía anh, nói, ông Điền, cha cu Điền kìa, sao không chạy lên giải cứa!
Anh Điền (gọi theo kiểu dân địa phương thời đó, anh hết) là cán bộ công anh anh, làm gì ngoài Hà Nội thì mình không biết, chỉ biết thỉnh thoảng anh về, thế thôi. Nhưng hồi nhỏ mình cứ nghĩ, hễ là công an làm ở ngoài ấy thì to lắm, oai lắm, ba cái chuyện đánh nhau lặt vặt này chính quyền thời đó bất lực, nhưng cỡ anh ra tay thì “ba mươi giây”.
Anh Điền lên đến cổng trạm xá thì đứng lại, khoanh tay cười cười, không nói gì, một lúc thì anh lại quay về với dáng đi đĩnh đạc, khoan thai, bóng anh khuất dần sau tre, gần nhà ông bà Hợi!
Sau này lớn lên mình mới hiểu, lúc đó có là ông Điền chứ mười ông Điền học rộng mấy, làm to mấy ở Hà Nội về gặp phải cái đám vô pháp thì cũng chả dám ra tay can thiệp, giống như hai con trâu húc nhau vậy, bố biết ông chủ là ai!
Giờ thì Chợ Láng sầm uất hẳn lên rồi, thành trung tâm dịch vụ thương mại của xã rồi, cây đa vẫn còn đó, nhưng theo tháng năm nó đã già và cằn cỗi đi nhiều không còn vươn cành khỏe khoắn, rắn rỏi, sum suê tỏa bóng như xưa, nhưng nó vẫn đẹp, vẫn đầy ắp kỷ niệm, gắn mãi với văn hoá địa phương và địa danh Chợ Láng.

TP Vũng Tàu, tháng 6/2023.

Mai Trung Hưng